Rách chóp xoay vai là một trong những tổn thương xương khớp nghiêm trọng thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, hoặc những người lao động chân tay, người hoạt động thể thao. Gây ra rất nhiều đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt, căn bệnh này còn có thể dẫn tới sự hạn chế vận động của các khớp vai, lỏng, viêm khớp hoặc thoái hóa khớp sớm. Vì vậy, điều trị rách chóp xoay vai giai đoạn sớm là thực sự cần thiết.
Mục lục
Nguyên nhân rách chóp xoay vai thường gặp nhất
Cơ chóp xoay vai là vùng được cơ delta che phủ phía bên ngoài, bao gồm 4 nhóm chính: cơ dưới vai trước, cơ gai trên, cơ gai dưới, cơ tròn bé. Các nhóm cơ kết hợp tạo thành vùng bao quanh khu vực chỏm xương, các chóp xoay nối liền từ xương bả vai tới cánh tay, phối hợp nhịp nhàng tạo ra động tác xoay của chỏm xương này.
Vậy nguyên nhân do đâu khiến ta bị rách chóp xoay vai?
Nguyên nhân bên trong
Hiện tượng cơ chóp xoay rách do rất nhiều yếu tố gây nên. Đầu tiên là các nguyên nhân bên trong, tới từ yếu tố như tuổi tác hoặc rối loạn chuyển hóa, thiếu máu, giảm số lượng tế bào. Một số người bị mỏng bó sợi collagen, tích tụ lớp mô hạt và vôi hóa tự nhiên cũng dễ dẫn tới rách chóp xoay vai. Khoa học gọi đó là rách thoái hóa.
Nguyên nhân bên ngoài
Nếu bạn đã từng gặp những chấn thương cấp tính, hoặc vi chấn thương nhỏ nhưng tần suất lặp lại liên tục thì cũng có thể gây rách chóp xoay vai. Cụ thể:
-
Mất vững khớp ổ chảo của cánh tay, đến từ việc trật khớp nhiều lần và rách thứ phát.
-
Các chấn thương cấp tính gây ra bởi ngã khi ở tư thế dạng tay.
-
Các vi chấn thương: lặp lại động tác khớp vai trong nhiều lần, thường được gây ra bởi các vận động viên tham gia bơi lội, cử tạ hoặc người lao động chân tay.
Nhìn chung, bệnh lý chóp xoay gia tăng tỷ lệ thuận cùng với các yếu tố tuổi tác, đặc biệt với người trên 50 tuổi. Những vết rách li ti không có triệu chứng thường được phát hiện ở cơ thể người trong độ tuổi này. Vì vậy, đối với người lớn tuổi, yếu tố bên trong sẽ là cơ bản, yếu tố bên ngoài chỉ hạn chế, không đáng kể.
Điều trị rách chóp xoay vai như thế nào hiệu quả nhất
Rách chóp xoay vai mang tới cho người bệnh những cơn đau nhức và vô cùng khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Căn bệnh còn mang tới rất nhiều biến chứng, vì vậy cần có giải pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm.
Hiện nay các bác sĩ đang ứng dụng hai phương pháp để điều trị rách chóp xoay vai, đầu tiên là điều trị bảo tồn, tiếp theo là phẫu thuật can thiệp.
Điều trị bảo tồn
Với bệnh nhân đang ở giai đoạn bệnh nhẹ, chưa có quá nhiều vết rách trên chóp xoay vai hoặc tuổi tác còn nhỏ, phương pháp điều trị bảo tồn vẫn được ưu tiên bởi tính an toàn, không can thiệp và xâm lấn.
Theo đó, điều trị bảo tồn bằng các cách như:
-
Cho người bệnh nghỉ ngơi, hạn chế vận động liên tục hoặc đưa tay qua đầu, dang rộng tay.
-
Sử dụng thuốc kháng viêm và giảm đau.
-
Thực hiện tiêm corticoid giảm triệu chứng nhanh chóng.
-
Thiết kế các bài tập vật lý trị liệu, tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ.
Tuy nhiên, việc điều trị bảo tồn sẽ phải mất hàng tháng trời để giúp bệnh nhân thực sự quay trở về trạng thái ban đầu, phục hồi sức cơ và vững khớp hoạt động hơn.
Phẫu thuật
Đối với những bệnh nhân ở tình trạng bệnh nặng, phương pháp phẫu thuật sẽ được ưu tiên để sửa chữa chóp xoay. Phẫu thuật cần phụ thuộc rất nhiều vào kích thước, hình dạng, vị trí rách. Trong trường hợp rách bán phần, bác sĩ sẽ chỉ cắt lọc, làm gọn lại phần rách. Ngược lại, nếu rách lớn hết phần gân cơ, sẽ cần phẫu thuật khâu hai bên.
Một số ca bệnh rách sát chỗ gân bám lồi củ lớn xương cánh tay, bác sĩ có thể khâu đính trực tiếp vào xương để giảm đau, phục hồi chức năng nhanh chóng.
Phẫu thuật rách chóp xoay vai có nên không? Cần lưu ý điều gì khi phẫu thuật?
Cho tới hiện tại, phẫu thuật nội soi vẫn là một tiến bộ mới của y học, giúp giải quyết triệt để tình trạng rách chóp xoay vai. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi đó là ít khả năng xâm lấn, tốc độ phục hồi nhanh và nguy cơ nhiễm trùng rất thấp, khắc phục được tối đa teo cơ delta như các phương pháp mổ mở truyền thống trước đây.
Phẫu thuật rách chóp xoay vai rất nên thực hiện đối với trường hợp:
-
Bị rách do chấn thương, dù trước đó chức năng của khớp vẫn hoạt động bình thường.
-
Đã điều trị bảo tồn từ 3-6 tháng, bệnh nhân không đáp ứng được điều trị, đáp ứng chậm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
-
Vết rách từ 3cm đổ lên.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu ý:
-
Tránh vận động phần tay đã mổ.
-
Thường xuyên mang nẹp để cố định.
-
Chủ động tập vật lý trị liệu, kết hợp liệu trình thuốc.
-
Tuân thủ đúng những lời khuyên tới từ bác sĩ về thời gian tháo nẹp và tái khám.
Với những thông tin về cách điều trị rách chóp xoay vai trên, hy vọng đã giúp bạn hình dung ra phương pháp khắc phục tốt nhất cho bệnh. Nếu bị rách chóp xoay vai, hãy nhanh chóng tới cơ sở y tế và bệnh viện để được thăm khám, điều trị nhanh chóng nhất. Bạn đừng quên truy cập vào website của chúng tôi thường xuyên để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị hơn nhé!